Google vẫn được ca ngợi là bộ máy tìm kiếm ít có sự phân biệt đối xử. Tuy nhiên, gã khổng lồ lại đang làm “đau tim” vì không ít khách hàng ruột dùng chính vị thế thống trị của mình trên thị trường tìm kiếm để làm mưa làm gió.
Kết quả trả về từ bộ máy lừng danh của Google không phải bao giờ cũng phản ánh chính xác nhất những gì có trong thực tế. Liệu Google có trở thành một Microsoft độc quyền trong nay mai?
Đằng sau logo thân thiện của Google
Các công ty mới khởi nghiệp nhận ra cơ hội vàng để kích thích thương hiệu khi phát triển nội dung, ý tưởng là chìa khoá để thành công nhờ vào Google, thay vì bỏ hàng đống tiền ra quảng cáo trên TV. Nhưng câu chuyện làm ăn chưa bao giờ đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Không ít than phiền gần đây từ giới blogger đã vạch trần bộ mặt thật của Google. Bằng chứng là gã khổng lồ tìm kiếm vi phạm chính những gì họ đã to tát tuyên bố về một mạng Internet trung tính. Các kết quả tìm kiếm trên Google thường có thông tin quảng bá cho một số dịch vụ khác của hãng, hay dành vị trí ưu tiên cho thông tin từ những “đứa con” của mình.
Bành trướng thế lực trên nền tảng cơ sở hùng hậu là một chiến lược tất yếu, nhưng với giới các nhà phân tích, Google lại đang đi theo vết xe đổ của Microsoft (chẳng hạn chiến lược tích hợp IE trong Windows của “gã nhà giàu”) khi phá vỡ hệ sinh thái ban đầu và đánh mất niềm tin từ khách hàng. Hàng loạt bằng chứng có thể khiến Google “bẽ bàng”.
Thẳng tay “thủ tiêu” các đối thủ cạnh tranh
Hãy thử nghiệm với dịch vụ bản đồ số Google Maps. Đây là một sáng tạo tuyệt vời, ít cầu kì khi sử dụng và gần như không có đối thủ lúc ra mắt. Nhưng đáng tiếc, thời đó, Google Maps không thực sự có nhiều “fan” hâm mộ.
Ban đầu, khi lên kế hoạch tích hợp bản đồ vào kết quả của tìm kiếm, Goolge “bao trọn gói” cả Yahoo Maps và MapQuest, một vài dịch vụ bản đồ số nổi danh khác bên cạnh Google Maps. Chỉ hai năm trước, MapQuest có lượng traffic gấp hai lần sản phẩm tương tự của Google. Kết quả là Google “đá” bay MapQuest khỏi trang hiển thị kết quả tìm kiếm, dành phần độc quyền cho Google Maps. Ngày nay, không phải bàn cãi về thị thế thống trị của dịch vụ này.
YouTube là một ví dụ khác. Cho đến nay, khá nhiều đối thủ vượt trội dịch vụ của Google về chất lượng, hỗ trợ video thời lượng dài hơn. Nhưng Youtube vẫn đang giữ vị trí quán quân trên thị trường chia sẻ video trực tuyến. Thành công có được là do “bà mẹ” Google đã ưu tiên chọn thông tin từ dịch vụ này khi hiển thị kết quả tìm kiếm.
Google Checkout sẽ cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn về cách ứng xử thiếu công bằng của Google.
Checkout mang đến một giải pháp mới chưa từng có cho khách hàng (với tư cách là sản phẩm của một công cụ tìm kiếm). Họ có thể sử dụng tài khoản tín dụng để thanh toán thông qua... chính Google, một bộ máy tìm kiếm. Thậm chí chỉ cần gửi thông tin nhận hàng, Google sẽ chuyển tới giúp người dùng. Ngay sau khi kiếm được một khoản thị phần kha khá bằng việc trả tiền cho người dùng nếu họ đăng kí sử dụng, Google Checkout đã mau chóng lụi tàn.
Nhưng một lần nữa, Google lại tỏ rõ ưu thế của một “ông vua” Internet khi quyết định chèn biểu tượng của Google Checkout bên cạnh các kết quả tìm kiếm, nếu đối tác doanh nghiệp bán hàng thoả thuận chấp nhận dịch vụ thanh toán trung gian này.
Cũng giống như Microsoft (ở trường hợp Active Desktop, MS Bob), vị thế độc quyền của Google đã không thể bảo đảm thành công cho sự khởi nghiệp của Google Checkout. Người dùng gần như quay lưng với sản phẩm của Google và lựa chọn Paypal, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian hàng đầu, với tốc độ tăng trưởng chóng mặt so với Checkout.
Dịch vụ tìm kiếm thông tin nhà đất của Google cũng thể hiện cách hành xử khá tệ của gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến. Ra mắt một vài năm trước, Google nhanh chóng đẩy thông tin của mình lên trên đầu các kết quả tìm kiếm. Ở lần cập nhật gần đây, Google còn giới thiệu một hộp thoại “Google Box” đặc biệt phía trên kết quả tìm kiếm, đồng thời dẫn thông tin từ các đối tác mua phí quảng cáo trên Google Maps. Tuy nhiên dịch vụ tìm kiếm nhà đất của Google, đáng tiếc, lại không phải là một công cụ ra hồn. 50% thông tin bán nhà không có thời gian cụ thể. Thậm chí một số dữ liệu đã “quá đát”.
Sẽ theo vết xe đổ của Microsoft?
Giống như Microsoft ở thập niên 90 thế kỉ trước, vị trí thống trị của Google đang khiến cho cuộc đua cạnh tranh trở nên tẻ nhạt. Rất khó để những công ty khởi nghiệp có thể đầu tư dài hạn trong cuộc đua với Google. Google có thể “bắt chết” bất kì đối thủ nào khác khi khai tử chúng khỏi công cụ tìm kiếm.
Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng xuôi chèo mát mái với Google. Không ít cuộc chiến mà gã khổng lồ đã bại trận ngay trên “sân nhà” (Paypal và Checkout là một ví dụ). Dẫu vậy, thị trường vẫn đang đứng trước một nguy cơ mới từ gã khổng lồ, khi tham vọng của Google, rõ ràng cũng như Microsoft với mục tiêu giành được khách hàng, thị phần và lợi nhuận.
Google từng “nắn gân” Microsoft khi hùa vào với Firefox và cộng đồng cáo buộc gã khổng lồ phần mềm độc quyền, tích hợp IE trong Windows. Nhưng trên thực tế, ở thị trường tìm kiếm, Google vẫn đang độc tôn, làm nền tảng cho một lộ trình dài hơi bá chủ mạng Internet.
Những cải tiến liên tục làm nên thành công cho Google, nhưng để tránh đi theo vết xe đổ của Microsoft trước đây, gã khổng lồ tìm kiếm cần phải đưa ra được một hướng phát triển có tính thân thiện hơn, không chỉ là với người dùng mà cả các đối thủ cạnh tranh. Sự lớn mạnh của liên minh Yahoo-Microsoft sẽ là một thách thức đáng kể với Google.
Liệu Bing có “lội ngược dòng” trước Google Search được hay không. Câu trả lời không chỉ phụ thuộc vào Microsoft, Yahoo mà còn ở chính Google.
(Theo Tuổi trẻ online/Techflash)
Thanks for reading. Did you enjoy this post?